Đi ngang qua những máy ép thủy lực mới và robot màu cam đang xử lý đạn pháo bán thành phẩm, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth đã đặt câu hỏi cho giám đốc điều hành (CEO) Ibrahim Kulekci của công ty sản xuất.
"Người Nga có công nghệ này không?", bà Wormuth hỏi CEO Kulekci của công ty Thổ Nhĩ Kỳ chuyên thiết kế và lắp đặt máy móc quan trọng trong nhà máy.
Ông Kulekci nói Nga sẽ không có được công nghệ này từ công ty của mình. "Hãy giữ nguyên như vậy", bà Wormuth đáp.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến quân đội Mỹ và các đồng minh thiếu đạn pháo và các loại hỏa lực khác nghiêm trọng, buộc họ nỗ lực nhanh chóng thúc đẩy sản xuất.
Lâu nay vẫn phụ thuộc vào các nhà máy có từ thời Thế chiến thứ II, nên giờ đây Lầu Năm Góc đang chi 6 tỷ USD để tân trang chúng bằng thiết bị hiện đại và mở rộng sản lượng tại các cơ sở mới có thể sản xuất nhiều loại đạn dược, từ đạn pháo đến súng cối.
Được trang bị một phần hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, nhà thầu quốc phòng General Dynamics đang trang bị tốt hơn cho những cỗ máy phức tạp để chế tạo đạn dược nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, mỗi tháng Mỹ sản xuất khoảng 14.000 quả đạn pháo 155 mm thường được sử dụng, dài khoảng 61cm và nặng khoảng 45kg. Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày từ pháo M777 do Mỹ sản xuất, loại vũ khí được thiết kế để bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa tới 20 km.
Lầu Năm Góc đang tìm cách tăng sản lượng đạn pháo 155mm của Mỹ từ khoảng 30.000 viên mỗi tháng hiện nay lên 100.000 viên vào cuối năm 2025. Và nhà máy ở Texas sẽ giúp Mỹ đạt được sản lượng hơn một nửa mục tiêu đó.
Nhà máy sản xuất này là chiến lược trọng điểm của Mỹ trong việc đưa hoạt động sản xuất các vật liệu được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia như chất nổ, khoáng sản đất hiếm và chất bán dẫn.
Lockheed Martin đang tăng gấp đôi sản lượng tên lửa Himars và Javelin, các loại vũ khí chống tăng đã giúp Ukraine khá hiệu quả trong chiến dịch quân sự của Nga, tại các cơ sở ở Camden. Một công ty con của L3Harris Technologies đang mở rộng một nhà máy động cơ tên lửa rắn gần đó.
Việc nhanh chóng thúc đẩy mở rộng sản xuất ngay trong nước Mỹ còn phụ thuộc nhiều vào các nước khác. Bởi vì thực tế là máy công cụ và các thiết bị quan trọng khác cần thiết để vận hành các nhà máy trong nước đều nhập từ các nhà máy ở các nước như Nhật Bản, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ vì vậy sẽ phải mất nhiều thời gian hơn cho việc thiết lập các chuỗi cung ứng quốc phòng ở trong nước sau khi họ đã phải mất hàng thập kỷ để phát triển chuỗi cung ứng tương tự ở bên ngoài đất nước, các nhà điều hành ngành này cho biết.
Cơ sở ở đây khác xa so với các nhà máy vũ khí có tuổi đời hàng chục năm cũ kỹ và thường rất ồn ào ở Mỹ.
Nhà máy mới yên tĩnh và nhỏ gọn, nằm cạnh cơ sở phân phối Frito-Lay trong khu công nghiệp hiện đại ở phía đông Dallas. General Dynamics nhắm mục tiêu vào khu vực Mesquite vì họ vận hành một nhà máy sản xuất vũ khí cách Garland khoảng chục km về phía bắc, cung cấp lực lượng lao động được đào tạo và tiếp cận các nhà cung cấp gần đó.
"Ở đây các bạn có tất cả các yếu tố cần thiết để hoàn thành công việc", Phebe Novakovic, CEO của General Dynamics, cho biết.
Bên trong nhà máy, những thanh thép sơn màu xanh lá cây cao khoảng 9m ép các thanh thép đẹp đẽ thành hình vỏ đạn. Một lò nung nhỏ làm nóng lớp vỏ đã hoàn thiện một phần ở nhiệt độ khoảng hơn 1.000 độ C, giúp chúng được tạo hình chính xác hơn.
Đạn pháo 155mm là vũ khí Ukraine cần nhiều nhất hiện nay (Ảnh: Reuters).Sau đó chúng được chuyển đến các đường hầm làm mát và kiểm tra chất lượng. Hầu hết quá trình đều được tự động hóa. Ở đây chỉ cần khoảng 27 người vận hành máy, với phần lớn lực lượng lao động dự kiến là 400 người tập trung vào việc bảo trì các thiết bị được điều khiển bằng máy tính.
General Dynamics đã chọn Repkon, có trụ sở chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp máy ép vì không nhà cung cấp nào có trụ sở tại Mỹ có thể đáp ứng thời hạn đưa nhà máy vào hoạt động trong 2 năm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một "ông lớn" trong sản xuất thiết bị quốc phòng, bao gồm cả máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi ở Ukraine.
Mối quan hệ chặt chẽ của nước này với các công ty quốc phòng Mỹ đã bị gián đoạn vào năm 2019 khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất, khiến nước này bị loại khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35 của Washington.
Nhưng sau đó quan hệ ngoại giao dần được cải thiện. "Nếu không có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, cơ sở này sẽ trống rỗng", Bộ trưởng Wormuth nói sau chuyến tham quan nhà máy. Các robot được sản xuất tại công ty Kuka của Đức. Công ty này đã được Midea, một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, mua lại vào năm 2016.
Nhà máy ở Texas là một mắt xích của chuỗi cung ứng vũ khí. Vỏ bọc thép được sản xuất ở đây được vận chuyển đến một nhà máy của quân đội ở Iowa. Ở đó, những chiếc vỏ chứa đầy chất nổ được sản xuất tại các cơ sở ở Pennsylvania và Tennessee. Khi hoàn thành, đạn pháo 155mm sẽ được chuyển đến kho của quân đội Mỹ hoặc được đưa trực tiếp tới Ukraine.
Xây dựng hệ sinh thái
Trong nhiều năm qua, khi Lầu Năm Góc cần cắt giảm ngân sách, các đơn đặt hàng đạn dược là một trong những hạng mục đầu tiên bị tác động.
Một cách tiếp cận khác đang được tính đến khi Lầu Năm Góc tìm cách để Mỹ có thể tự chủ trong việc sản xuất các loại đạn dược quan trọng như đạn pháo. Hồi tháng 1, nước này đã vạch ra một chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cam kết duy trì sản lượng ở mức cao trong vài năm và hệ thống máy móc mới của nhà máy cho phép họ sản xuất nhiều loại đạn pháo và súng cối trên cùng một dây chuyền.
Các quan chức cho hay, việc tăng cường dự trữ trong nước là điều tối quan trọng để chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai. Giám đốc phụ trách mua sắm của quân đội Mỹ Douglas Bush nói, dây chuyền mới giúp cải thiện độ chính xác và tỷ lệ thất bại thấp hơn.
Cuộc xung đột ở Ukraine thúc đẩy bộ phận chiến đấu của General Dynamics, nơi cũng sản xuất các thiết bị như xe tăng Abrams và xe bọc thép Stryker, tăng trưởng nhanh chóng mặt.
Nhu cầu về thiết bị, vũ khí chiến đấu đã đẩy doanh số bán hàng của bộ phận chiến đấu tăng 20% trong quý đầu tiên của năm 2024 sau khi tăng 13% vào năm 2023.